Hiện trường vụ xe đâm 'điên loạn' trên đường Láng đêm 22-4 làm nữ lao công thiệt mạng. Tài xế gây tai nạn khai trước đó đã uống 5-7 cốc bia loại lớn - Ảnh: CHÍ TUỆ
Sáng 25-4, đám tang chị Lê Thị Thu Hà - nữ lao công nghèo ở Hà Nội - diễn ra trong sự đau xót của người thân, đồng nghiệp và cả nhiều người không quen biết.
Chị qua đời trong ca làm việc lúc nửa đêm bởi chiếc xe do tài xế cầm vôlăng sau khi uống rượu, bia tông trúng, để lại 2 người con với gia cảnh khốn khó.
Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy trong 3 năm từ 2016 đến 2018 nước ta có 25.212 người chết, 51.122 người bị thương vì tai nạn giao thông.
Trung bình tai nạn giao thông mỗi năm cướp đi sinh mạng 8.400 người và khiến hơn 17.000 người mang thương tật. Và đại diện Ủy ban An toàn giao thông quốc gia từng nhận định nếu áp dụng quy định của quốc tế thống kê tử vong sau 30 ngày xảy ra tai nạn thì mỗi năm nước ta có hơn 15.000 người thiệt mạng.
Trong số đó, không ít người bị tước đi sinh mạng một cách đầy oan uổng như chị Hà. Thống kê của cơ quan công an cho thấy năm 2018 có 3,36% nguyên nhân gây tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia (năm 2017 là 2,07%). Con số này không cao so với các nguyên nhân khác. Nhưng nhiều vụ tai nạn do tài xế sử dụng rượu, bia, ma túy đã gây hậu quả thảm khốc, làm phẫn uất dư luận trong thời gian qua.
Không thể nói tài xế không biết nguy cơ gây tai nạn cao khi vẫn lái xe sau khi uống rượu, bia. Nhưng mặc tất cả, vì chủ quan, vì coi thường pháp luật, coi thường mạng sống của người khác nên vẫn lái xe sau khi uống rượu, bia.
Theo một nghiên cứu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia trong năm 2018, có tới 70% người sau khi uống rượu, bia ở nhà hàng đã tự lái xe về.
Lãnh đạo một số địa phương như TP.HCM, Vĩnh Phúc đã đề xuất thực hiện những biện pháp mạnh như tăng mức phạt tiền, bỏ tù, bổ sung hình phạt lao động công ích, tước bằng lái dài hạn hoặc vĩnh viễn với tài xế uống rượu bia, sử dụng ma túy.
Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đồng thuận; người dân bày tỏ hưởng ứng trên truyền thông, mạng xã hội, kiến nghị thực thi càng sớm càng tốt để kéo giảm tai nạn giao thông.
Với người nhiều tiền có thể họ không sợ bị phạt bằng kinh tế nhưng chắc chắn họ sẽ sợ bị tước quyền lái xe vĩnh viễn; sợ lý lịch có tiền án; sợ bị mất thể diện khi phải thực thi hình phạt lao động công ích và hình ảnh đó sẽ lên truyền thông.
Chắc chắn nỗi sợ đó sẽ làm họ không dám coi thường pháp luật, coi thường sinh mạng con người, coi thường sự an toàn của cộng đồng.
Ngày qua ngày, năm qua năm, chúng ta đã bức xúc quá nhiều vì tai nạn, xót xa vì những cái chết tức tưởi. Hơn bao giờ hết, đã đến lúc chúng ta nên ủng hộ, đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước sớm thực thi những hình phạt nói trên để cuộc sống ngày càng an toàn hơn, sinh mạng con người được bảo vệ tốt hơn.
Những hình phạt trên không mới, nhiều nước đã thực hiện có hiệu quả hàng chục năm nay, lẽ nào chúng ta không thực hiện được?
Nguồn Bài Viết: tuoitre.vn/tuoc-bang-vinh-vien-tai-xe-ruou-bia-cu-lam-manh-20190426071955368.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét